Quan tri truong hoc
MỘT SỐ KINH NGHIỆM NHỎ TRONG QUẢN TRỊ NHÂN SỰ TRƯỜNG HỌC
Quản trị nhân sự nói chung và quản lý nhân sự nhà trường nói riêng là một trong những tiêu chí quan trọng của cán bộ quản lý vì liên quan tới con người gắn với công việc của họ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp..
Quản trị nhân sự là một hoạt động vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật vì quản trị nhân sự là một lĩnh vực gắn bó nhiều đến văn hoá tổ chức và chứa đựng nhiều giá trị nhân văn hơn bất cứ một lĩnh vực quản trị nào khác.
Quản trị nhân sự nhà trường là một trong những chức năng cơ bản của quá trình quản trị, bởi con người bao giờ cũng là yếu tố quan trọng nhất. Do đó, việc lựa chọn, sắp xếp con người có năng lực, phẩm chất phù hợp với các vị trí việc làm trong nhà trường đạt hiệu quả cao nhất là nhiệm vụ hàng đầu. Một số đầu việc chính trong hoạt động quản trị nhân sự có thể kể đến là:
- Chỉ đạo xây dựng đề án vị trí việc làm; chủ động đề xuất tuyển dụng nhân sự theo quy định; sử dụng giáo viên, nhân viên đúng chuyên môn, nghiệp vụ; chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên, nhân viên, năng lực quản trị nhà trường cho đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ thuộc diện quy hoạch các chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của nhà trường theo quy định
- Mức cao hơn là: sử dụng giáo viên, nhân viên đúng chuyên môn, nghiệp vụ đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; đánh giá năng lực đội ngũ, tạo động lực và tổ chức bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp thường xuyên cho giáo viên, năng lực quản trị nhà trường cho đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ thuộc diện quy hoạch các chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của nhà trường có hiệu quả
- Đặc biệt để đạt hiệu quả cao hơn nữa thì nhà quản trị trường học cần lan tỏa kinh nghiệm quản trị; hỗ trợ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông về quản trị nhân sự trong nhà trường.
Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi thì để nâng cao năng lực quản trị nhà trường thì chúng ta cần trau dồi :
- Trau dồi Kỹ năng làm việc
Để làm tốt công tác nhân sự thì người làm công tác nhân sự cần tận tụy, tận tâm từ những việc cụ thể như lương, phụ cấp, chế độ chính sách khác, khen thưởng, động viên, đến đào tạo, bồi dưỡng cũng như tổ chức bộ máy… Ngoài ra, người làm công tác nhân sự cần có khả năng phân tích và tổ chức tốt để đảm bảo nguồn nhân lực có tính kế thừa và lâu dài.
- Biết cách lắng nghe và hiểu tâm lý người khác
Để trau dồi các kiến thức cũng như nâng cao kỹ năng của mình, người làm nghề nhân sự cần biết “lắng nghe và hiểu tâm lý người khác”! Đi sâu đi sát với nhân viên và kịp thời điều chỉnh những quan hệ lao động một cách nhanh kịp thời trong mọi tình huống, biến cố, giúp động viên, hợp lực tập thể để cùng “lái con thuyền ” đi lên.
- Có các kỹ năng giao tiếp
Người quản trị nhân sự đòi hỏi phải có kỹ năng về giao tiếp và làm việc với tập thể, cần phải tỏ ra nhạy bén, khéo léo trong cách ứng xử với các CB,GV. nhân viên, hiểu rõ tính cách và tính chất công việc của từng người, luôn sẵn sàng giúp đỡ và đưa ra những lời khuyên thích hợp khi cần thiết .
Kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng mềm cần thiết nhất không chỉ trong nghề quản lý nhân sự mà tất cả các công việc khác
- Biết cách xử lý tình huống
Trong quá trình làm việc, người quản trị sẽ có thể phải giải quyết rất nhiều tình huống mâu thuẫn. Bạn phải giải quyết bài toán khó này để không làm mất lòng hai bên. Vậy người quản trị cần có một “cái đầu tỉnh và một trái tim nóng”.
Trên đây là một số kinh nghiệm nhỏ trong quản trị nhà trường của tôi. Rất mong các đồng nghiệp góp ý. Xin trân trọng cảm ơn!
Người viết
Nguyễn Thị Lương